Thời kỳ Thuận Trị Đa_Nhĩ_Cổn

Phò tá Ấu Đế

Năm Sùng Đức thứ 8 (1643), ngày 9 tháng 8 (tức ngày 21 tháng 9 dương lịch), Hoàng Thái Cực đột ngột qua đời ở Thịnh Kinh. Sinh thời, ông ta chưa chỉ định ai làm Trữ quân, và điều này gây nên tranh đấu Hoàng vị trong hoàng thất Đại Thanh.

Ngày 14 tháng 8 (âm lịch) cùng năm, Lễ Thân vương Đại Thiện, Trịnh Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng, Dự Thân vương Đa Đạc cùng Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn đến Sùng Chính điện, tiến hành thảo luận xem ai sẽ kế vị. Cuối cùng mâu thuẫn tập trung ở hai phe, Đa Nhĩ Cổn và Túc Thân vương Hào Cách - con trưởng của Hoàng Thái Cực. Vào thời điểm đó, Lễ Thân vương Đại Thiện tuy vẫn còn sống, song thế lực hai Hồng kỳ của ông đã sớm suy yếu. Ông ta tuổi tác cao, sớm đã không hỏi triều chính, bên cạnh đó hai đứa con trai có tài là Nhạc Thác cùng Tát Cáp Lân đều qua đời, còn lại Thạc Thác không được Đại Thiện yêu, còn út Mãn Đạt Hải tuy có chớm nở tài hoa nhưng thế lực quá yếu. Về tư cách lẫn vấn đề người kế vị, Đại Thiện không được số đông ủng hộ.

Trong khi đó với thế lực lớn, uy vọng cao, lại có sự ủng hộ của hai Bạch kỳ mà mình làm chủ, Đa Nhĩ Cổn trở thành một ứng viên lớn cho ngôi vị Hoàng đế. Bên cạnh đó, Hào Cách tuy là người thiếu quyết đoán lại nóng nảy, thế lực chỉ gồm 61 Tá lĩnh, nhưng lại có được sự ủng hộ của hai vị Đại Bối lặc khác là Đại Thiện và Tế Nhĩ Cáp Lãng. Lực lượng của 3 người hợp lại có khoảng 145 Tá lĩnh, gồm 43.500 người. Cộng thêm ảnh hưởng do công lao của Hoàng Thái Cực quá lớn và bị phản đối bởi các đại thần của hai Hoàng kỳ lúc bấy giờ là Sách Ni, Đồ Nhĩ Cách, Ngao BáiÁt Tất Long.

Sở dĩ các đại thần của hai Hoàng kỳ duy trì ủng lập Hào Cách, là để triều Thanh sau đó có thứ tự cha truyền con nối, cũng duy trì được địa vị hai Hoàng kỳ trong Bát kỳ. Tuy vậy, trong Chính Hồng kỳ, Chính Lam kỳ cùng Chính Hoàng kỳ cũng có người ủng hộ Đa Nhĩ Cổn, khiến cho ông như hổ thêm cánh. Còn có một người cũng không thể không nói đến, là Trịnh Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng, kỳ chủ của Tương Lam kỳ.

Tuy Tế Nhĩ Cáp Lãng là dòng dõi Viễn chi Tông thất (cha là Thư Nhĩ Cáp Tề, em của Nỗ Nhĩ Cáp Xích), không có khả năng tranh Đế vị, song uy tín và thế lực của Tế Nhĩ Cáp Lãng, cộng thêm địa vị của Tương Lam kỳ cũng khiến ông ta có tiếng nói lớn, trường hợp Tế Nhĩ Cáp Lãng ngả về ai thì người đó sẽ có khả năng cao kế vị. Trước tình thế đó, Quận vương A Đạt Lễ, Bối tử Thạc Thác khuyên Đa Nhĩ Cổn tự lập làm Hoàng đế. Tuy có thế lực lớn, nhưng Đa Nhĩ Cổn không có quyền kế vị vì hai Hoàng kỳ đại thần cực liệt phản đối. Để duy trì và chùn bước, Đa Nhĩ Cổn đành chấp nhận giải pháp thỏa hiệp là phò lập con thứ 9 của Hoàng Thái Cực mới 6 tuổi là Phúc Lâm lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Trị[12]. Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn và Trịnh Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng đồng phụ chính.

Trên thực tế, dù là "Đồng phụ chính", nhưng Trịnh Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng dù là một tướng lĩnh quân sự tài giỏi nhưng lại không quan tâm nhiều đến chính trị, ông có xu hướng thỏa hiệp và ôn hòa hơn là nắm triều chính, do đó Đa Nhĩ Cổn ngày càng độc quyền, khi viết chiếu thư cũng để tên Đa Nhĩ Cổn lên trước[13]. Để bảo tồn thể diện cũng như chừa đường lui, Đa Nhĩ Cổn lập tức giết hai người khuyên mình tự lập, là A Đạt Lễ và Thạc Thác[14]. Bên cạnh đó, Đa Nhĩ Cổn cũng theo đà trừ bỏ phe phái của Hào Cách, làm rộng đường thực hiện quyền cai trị của mình thông qua vị Hoàng đế nhỏ tuổi[15].

Chinh phạt Trung Nguyên

Năm Thuận Trị nguyên niên (1644), Tổng binh Sơn Hải quan là Ngô Tam Quế đề nghị quân Thanh liên minh nhằm đánh lại quân Lý Tự Thành, người thông qua khởi nghĩa nông dân đánh bại nhà Minh. Nhận thấy đây là một cơ hội ngàn vàng để thâm nhập Trung nguyên, Đa Nhĩ Cổn hồi đáp lại lời kêu gọi. Tháng 4, Thuận Trị Đế lâm ngự Đốc Cung điện, bái Đa Nhĩ Cổn làm Đại tướng quân, ban cho Đại tướng quân sắc ấn, Đa Nhĩ Cổn chỉ huy quân Thanh tiến vào quan ải, hợp binh với Ngô Tam Quế đánh bại Lý Tự Thành[16].

Lý Tự Thành lúc này mới biết tình thế nghiêm trọng, tự mình dẫn quân đến Sơn Hải quan đánh Ngô Tam Quế. Khi đó, Ngô Tam Quế đã phái ra sứ giả đến gặp Đa Nhĩ Cổn cầu viện, nhưng nội dung bức thư là mượn quân đánh lại, chứ tuyệt nhiên không đả động việc hàng quân Thanh. Trước tình thế đó, Đa Nhĩ Cổn ngoài mặt đồng ý triệu tập đại thần mưu sĩ thương nghị, một mặt phái sứ giả về Thịnh Kinh điều binh chủ lực. Bên cạnh đó, Đa Nhĩ Cổn lại một phương diện cố ý trì hoãn tốc độ tiến quân, bức bách Ngô Tam Quế phải thỏa hiệp điều kiện chiêu hàng. Bởi vì chuyện quá khẩn cấp, Ngô Tam Quế chỉ phải đáp ứng yêu cầu của Đa Nhĩ Cổn.

Ngày 21 tháng 4 năm ấy, Lý-Ngô xảy ra Đại chiến Sơn Hải quan (山海关大战)[17]. Đa Nhĩ Cổn trước tình thế đó không vội vàng, để cho quân Ngô gần như vỡ trận, liên tục phái sứ giả hỏi xin quân Thanh viện trợ, thì ông mới phát binh tiến vào Sơn Hải quan. Khi tiến vào chiến trận, Đa Nhĩ Cổn yêu cầu quân Ngô phải đánh với quân Lý, để hai bên suy yếu, mới bắt đầu đồng ý cho quân Bát kỳ tràn vào truy sát. Như vậy, quân Lý tan tác chạy về Bắc Kinh, quân Ngô chỉ còn thoi thóp quy hàng quân Thanh vô điều kiện, Đa Nhĩ Cổn không hề tốn công sức gì, lợi dụng nội loạn ở Trung nguyên khiến Đại Thanh có lợi lớn nhất trong cục diện. Tháng 5 năm ấy, quân Thanh tiến vào Bắc Kinh[18].

Sau khi chiếm được thành Bắc Kinh, Đa Nhĩ Cổn nghiêm cấm đánh cướp, đình chỉ cạo đầu[19], bên cạnh đó còn cho phát tang Sùng Trinh Đế, do đó thu được hảo cảm từ sĩ phu người Hán[20]. Tháng 6 năm ấy, Đa Nhĩ Cổn nhanh chóng thương nghị các Vương, Đại thần, đề nghị dời đô từ Thịnh Kinh đến Bắc Kinh. Sự kiện Thanh triều dời đô đến Bắc Kinh đã đánh dấu tính hợp pháp của triều đình này với người Hán, tiến gần đến quá trình thống nhất Trung Nguyên, hùng bá Cửu Châu.

Ngày 20 tháng 8 năm ấy, bắt đầu tiến hành quá trình dời đô, đến tháng 9 là đến Bắc Kinh. Ngay khi đến Tử Cấm Thành, Thuận Trị Đế tôn Đa Nhĩ Cổn làm Hoàng thúc phụ Nhiếp Chính vương (皇叔父攝政王), ban thưởng mặc Mãng Triều y bằng lông chồn, lại lệnh cho Lễ bộ vì Đa Nhĩ Cổn mà chế sách bảo, ngoài ra còn đặc ban một mũ lông chồn màu đen có 13 viên Đông châu[21]. Khi làm lễ đăng quan ở Hoàng Cực môn (皇極門), Thuận Trị Đế cho soạn bia ghi công tích của Đa Nhĩ Cổn tuyên cáo thiên hạ, sách ban tước hiệu ["Nhiếp Chính vương"], từ đó địa vị của Đa Nhĩ Cổn áp đảo chư Vương trong triều Thanh, hơn xa người đồng phụ chính là Tế Nhĩ Cáp Lãng, người được ban tôn hiệu ["Phụ Chính vương"][22].

Bên cạnh đó, với lý do thiên hạ còn chưa yên, Đa Nhĩ Cổn sai các tướng nhà Minh tiếp tục đi đánh dẹp các thế lực nhà Nam Minh và quân khởi nghĩa chống Thanh dưới sự kiểm soát của ông, điều này cho thấy Đa Nhĩ Cổn rất khôn khéo trong việc "dùng Hán trị Hán", không tốn công của người Bát kỳ mà vẫn nắm được thiên hạ một cách gắt gao nhất. Giao ước liên minh thực chất bị xóa bỏ, không lâu sau, khi các thế lực chống Thanh bị dẹp yên về cơ bản, ông phong các tướng lĩnh nhà Minh đầu hàng chức quan của nhà Thanh, buộc cạo nửa đầu thắt bím, hợp thức hóa quyền thống trị của nhà Thanh trên toàn cõi Trung Hoa. Cũng với biện pháp này, ông buộc tất cả mọi người dân Hán dưới quyền kiểm soát của nhà Thanh đều phải cạo đầu thắt bím, tuần tự đồng hóa với người Mãn. Những nơi chống đối, ông cho thực hiện những biện pháp tàn sát để buộc người dân phải quy phục. Uy quyền của Đa Nhĩ Cổn trở nên tột đỉnh, khi ông chỉ cần lợi dụng một thế cờ mà dễ dàng lấy được cả giang sơn Trung Hoa về cho nhà Thanh.

Hoàng phụ của Đại Thanh

Từ khi trở thành Hoàng thúc phụ Nhiếp Chính vương, Đa Nhĩ Cổn nhận được các ân điển vượt mức Thân vương thông thường. Bên cạnh ["Nghi trượng"; 儀仗] tùy giá có người dẫn đường cùng một số lượng lớn quan viên riêng, còn hễ khi Nhiếp Chính vương đi săn, xuất sư nghênh chiến, Vương công quý tộc đều quy phục chờ chỉ, lại còn "Liệt ban quỳ đưa". Nếu hồi Vương phủ, tất cả đều phải đưa đến tận phủ môn. Mỗi phùng Tết Nguyên Đán, hay các dịp có lễ Triều hạ long trọng trong cung, các vương công đại thần sau khi triều bái Thuận Trị Đế, thì đều đến triều bái Đa Nhĩ Cổn. Khi đến triều, Đa Nhĩ Cổn có thể ngồi kiệu vào trong Ngọ Môn rồi mới xuống, trong khi các vị Vương công Bối lặc khác theo thông lệ đều phải dừng ngoài Ngọ Môn[23][24].

Năm Thuận Trị thứ 3 (1646), tháng 5, Đa Nhĩ Cổn cho rằng Thuận Trị Đế giữ Tỉ thụ trong cung, mỗi khi mình cần việc quân gấp lại phải vào cung hỏi đến Tỉ thụ rất là không tiện, do đó thu Hoàng đế tỉ thụ vào phủ của mình. Từ đấy, các chủng loại, nghi thức của Đa Nhĩ Cổn đều y hệt Hoàng đế, đều là 20 loại, chỉ khác một chút ở số lượng, trong khi đó nghi thức của Phụ chính vương Tế Nhĩ Cáp Lãng chỉ 15 loại, cũng chứng minh khoảng cách của Đa Nhĩ Cổn đã trên Tế Nhĩ Cáp Lãng nhiều và rất gần với Hoàng đế.

Từ năm thứ 4 (1647), quan viên trong thư tấu phải xưng đầy đủ [Hoàng thúc phụ Nhiếp Chính vương], nếu còn xưng "Cửu vương gia" hoặc lược đi ngắn gọn thì đều bị khiển trách. Bên cạnh đó, Đa Nhĩ Cổn cũng từ năm này vào triều hạ đã không còn hành lễ quỳ bái với Thuận Trị Đế nữa. Với thế lực lớn mạnh này của mình, ông từng bước thâu tóm độc quyền, nhân đó hạch tội Tế Nhĩ Cáp Lãng từng ủng hộ Túc Thân vương Hào Cách, lệnh đình chỉ phụ chính.

Năm thứ 5 (1648), ông được gia phong trở thành Hoàng phụ Nhiếp Chính vương (皇父攝政王). Từ đây, nghi lễ, cận vệ mà Đa Nhĩ Cổn sử dụng, tất cả đều lấy quy chuẩn của Hoàng đế[25]. Vì danh xưng ["Hoàng phụ"] này, người đời tương truyền ông đã cưới Hiếu Trang Văn Hoàng Hậu - sinh mẫu của Thuận Trị Đế và khi ấy đang là Hoàng thái hậu. Thuyết pháp này xuất phát từ nhà thơ thời Thanh sơ là Trương Hoàng Ngôn (张煌言) khi ông ta đề cập trong 10 đầu thơ "Kiến di cung từ" (建夷宫词), trong đó có 1 bài nói: ["Thượng thọ thương vi hợp nhi tôn, Từ Ninh cung lí lạn doanh môn. Xuân cung tạc nhật tân nghi chú, thái lễ cung phùng Thái hậu hôn"] (Nguyên văn: 上寿觞为合而尊,慈宁宫里烂盈门。春宫昨日新仪注,太礼恭逢太后婚). Tuy nhiên giả thuyết này vẫn còn được tranh cãi, trở thành một trong 4 bí ẩn lớn của nhà Thanh.

Năm thứ 7 (1650), tháng 8, Đa Nhĩ Cổn truy tôn người mẹ đẻ Đại phi Na Lạp thị làm Hiếu Liệt Vũ Hoàng hậu, phối hưởng cùng Nỗ Nhĩ Cáp Xích ở Thái Miếu.